Tôi đã hơn ba tháng rồi không viết một bài nào trên Blog của mình. Đôi lúc thấy Blog đìu hiu, bạn bè lâu lâu lại vào hỏi thăm sao dạo này “cắn bút” vậy, tôi cũng buồn (thực ra là tôi cắn bàn phím máy tính mà, có cắn bút đâu? Hihi..). Nhưng muốn viết, thì quả thật là cần phải có cảm xúc. Tôi cũng không phải là một tay viết chuyên nghiệp, chỉ dùng Blog để diễn đạt những suy nghĩ và tâm tư của mình, nên nhất nhất thì phải có cảm xúc thì mới viết được.
Sau ba tháng được coi là “chai sạn” hôm nay, bỗng nhiên tôi lại trở nên đầy cảm xúc. Đó là khi tôi đọc về tấm gương của ông cụ 84 tuổi bán chuối trên báo VnExpress. Đọc xong bài báo, tự nhiên, tôi suy nghĩ rất nhiều. Hình ảnh của cụ, câu chuyện của cụ bỗng nhiên làm tôi nhớ đến ông nội của tôi. Rồi tự nhìn lại mình, quả thật là tôi không khỏi… xấu hổ trước cụ, xấu hổ trước ông nội.
Xét về tuổi tác, sức khỏe, về điều kiện kinh tế gia đình thì cụ không nhất thiết phải tiếp tục làm công việc bán chuối như cụ đang làm. Nhưng theo lời cụ, đó dường như không phải là một công việc gì quá nặng nhọc, mà đó chính là công việc mà cụ đã cả đời gắn bó, là công việc mà cụ đã nhờ đó nuôi 4 người con khôn lớn, nên người, là “cái nghiệp” của cụ. Nhưng vượt qua những tâm sự mộc mạc của cụ, đó quả thực là một tình yêu lao động lớn lao, một tinh thần “tự lực, tự cường” mà có lẽ là chính tôi và rất nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay đang thiếu. Cụ còn khỏe, còn làm được việc, thì cụ còn muốn lao động, muốn tự mình kiếm tiền nuôi sống bản thân mình, không phụ thuộc vào con cháu. Và với cụ, làm việc là niềm vui, là tự do, là hạnh phúc chứ không phải là một nghĩa vụ, một gánh nặng, một trách nhiệm mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn luôn tìm cách né tránh.
So sánh với cụ, tôi không tránh khỏi sự xấu hổ.
Công việc của cụ hết sức vất vả. Hằng ngày cụ phải đạp xe đạp đi mua chuối, cắt chuối, phân loại chuối, giấm chuối và chở lên tận Hà Nội để bán. Cụ phải thức khuya, dậy sớm và hết sức tất bật, bận rộn, nhưng tôi nghĩ rằng nó không mang lại cho cụ bao nhiêu là thu nhập. Dù tuổi già, sức khỏe đã giảm sút nhiều bởi tuổi tác và công việc mà cụ làm cũng không có gì gọi là vẻ vang, hoành tráng gì cả, nhưng cụ vẫn hết sức yêu quý và tự hào về công việc của mình. Vì đó, chính là mồ hôi, công sức, là sức lao động chân chính của cụ.
Trong khi cụ thì như thế, còn tôi và một số bạn trẻ khác dường như có tất cả những điều kiện tốt hơn cụ nhiều, lại lười biếng lao động. Chúng ta có tuổi trẻ, có sức khỏe, được cha mẹ và gia đình nuôi cho ăn học đến nơi đến chốn, phương tiện, xe cộ đầy đủ, khả năng học hỏi, tư duy đều nhanh nhạy hơn cụ. Cũng không thể phủ nhận chúng ta kiếm tiền dễ dàng và nhiều hơn cụ nhiều, nhưng trong chúng ta, có mấy ai có được cái tình yêu lao động như cụ?
Hàng ngày, ngoài xã hội, trên mặt báo, tôi nghe không biết bao nhiêu câu chuyện trộm chó, cướp xe, giật laptop, lừa đảo được thực hiện bởi những con người trẻ trung, khỏe mạnh hơn cụ trăm ngàn lần. Nếu ai ai, cũng yêu lao động, ai cũng làm tốt công việc của mình, mỗi người đóng góp dù chỉ 1 ít cho xã hội (chứ không phải là phá hoại nó), thì đất nước của chúng ta, có phải giàu mạnh hơn không?
Trong khi cụ thức khuya đến gần nửa đêm và thức dậy lúc 4, 5 giờ sáng để làm việc, thì tôi, một chàng trai trẻ, lại sử dụng hầu hết thời gian trong ngày của mình, để làm những việc vô bổ và hưởng thụ: ăn, ngủ, cafe, nhậu nhẹt, lang thang trên mạng và đi chơi… Tôi không khẳng định rằng những việc đó là đúng hay không? Vì nói cho công bằng, con người ta phải cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa chơi và làm. Bản thân tôi cũng không phải là con người lãng phí quá nhiều thời gian và lười biếng làm việc. Nhưng nhìn vào tấm gương của cụ, chắc hẳn, tôi phải tự thay đổi lịch làm việc và sinh hoạt của mình nhiều.
Cụ cũng nhận được rất nhiều sự thương cảm và giúp đỡ từ mọi người, nhưng cụ chỉ luôn nhận đúng phần tiền mua chuối mà thôi, cụ từ chối nhận sự tiền mà người khác biếu, tặng. Tôi biết rằng, con người ta, luôn phải là một người cho đi, đồng thời cũng là một người sẵn sàng đón nhận. Nhưng trong xã hội ngày nay, không biết bao nhiêu con người sẵn sàng lợi dụng và lừa đảo lòng tốt của người khác. Tôi không cần phải kể ra các ví dụ ở đây. Nếu bạn may mắn chưa từng chứng kiến một việc gì đó tương tự thì bạn hãy chịu khó đọc trên báo. Tìm một bài báo như thế, chắc hẳn dễ hơn nhiều so với việc bạn tìm ra bài báo về ông cụ 84 tuổi bán chuối này đấy.
Trong những việc trên đời, việc lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của người khác là việc tôi ghét nhất. Không phải bởi vì tôi tiếc vài đồng đã bị người ta lừa, cũng không phải vì cái cảm giác mình quá ngu ngốc khi bị người ta lợi dụng. Mà đó chính là nỗi lo, lo cho chính mình, lo cho cả xã hội, rằng sau một số lần bị lừa, bị lợi dụng lòng tốt như thế, thì tôi cũng như mọi người sẽ trở nên nghi kị, chai sạn và không còn lòng tốt, lòng hảo tâm để sẵn sàng giúp đỡ người khác nữa. Khi đó, xã hội sẽ không còn tình người, và những người khó khăn thực sự sẽ không còn được một ai giúp đỡ nữa cả.
Có vẻ tôi đã lo chuyện bao đồng, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì có đáng buồn lắm thay? Nhưng tôi vẫn vững tin xã hội sẽ luôn có những người như cụ. Sống an vui bằng chính mồ hôi, sức lao động của mình. Tôi mong mình sẽ là một trong những người như thế.
Và hơn hết, tôi phải tìm kiếm niềm vui, tình yêu lao động, niềm đam mê, khát khao của chính mình. Nhớ ngày trước, ông nội tôi, năm đó cũng đã hơn 80 tuổi rồi, mà ngày nào cũng loay hoay ngoài vườn, hết tưới nước, lại bón phân, trồng cây, làm cỏ. Tôi thắc mắc: “Sao ông không nghỉ đi cho khỏe?” thì ông tôi cười hiền từ mà đáp rằng: “Làm cho nó vui!”
Mà đúng là làm cho nó vui thật, đến khi sức khỏe ông yếu đi, ông không còn ra vườn làm như trước nữa, thì nhìn mắt ông luôn có gì đó buồn buồn. Rồi khi ông mất đi, chẳng hiểu có sự trùng hợp nào ngẫu nhiên hay không, nhưng những cây bơ trong vườn nhà tôi bỗng chết hàng loạt. Đó là những cây bơ ông đã trồng và đã chăm sóc từ bấy đến giờ. Có lẽ có một chút tâm linh, hoặc cũng có thể ông tôi mất rồi thì không có ai chăm sóc cho chúng nữa, nên chúng chết.
Ông nội tôi, rồi ông cụ trong bài báo, cả cuộc đời đã trải qua không biết bao nhiêu biến động, khó khăn, vất vả, nhưng vẫn giữ vững niềm tin yêu lao động, vẫn không ngừng cống hiến những phần công sức rất nhỏ của mình cho gia đình, cho xã hội. Vậy còn tôi, nếu tôi không làm được những việc ấy, thì có phải là xấu hổ lắm thay?
Kinh nghiệm cho thấy, hạnh phúc, không bao giờ hoàn toàn phụ thuộc vào một hoàn cảnh bên ngoài nào đó, mà nó chỉ phụ thuộc vào chính bản thân mình. Tìm sự an vui trong chính công việc, trong cuộc sống hàng ngày là một việc dễ mà rất khó. Có lẽ, tôi nên bắt đầu hành trình tìm kiếm hạnh phúc đơn giản ấy, bằng chính tình yêu lao động và tình yêu công việc của mình vậy…
mừng thầy đã trở lại…^^
Như chưa bao giờ ra đi…
…thanks my teacher!
Đề nghị bác viết nhiều thêm,tôi thích cách phân tích của bác!
“Trong khi cụ thức khuya đến gần nửa đêm và thức dậy lúc 4, 5 giờ sáng để làm việc, thì tôi, một chàng trai trẻ, lại sử dụng hầu hết thời gian trong ngày của mình, để làm những việc vô bổ và hưởng thụ: ăn, ngủ, cafe, nhậu nhẹt, lang thang trên mạng và đi chơi… ”
Nhiều khi phải cafe, nhậu nhẹt… mới ra ý tưởng chứ. he he
Bài viết hay. Đánh giá 7.5 điểm!