Tôi là một người rất thích đọc. Đặc biệt là đọc sách. Và tôi cũng rất mê sách. Ngẫm nghĩ về sách tôi cũng có nhiều chuyện thú vị. Nay muốn chia sẻ cùng bạn.
Ngẫm lại thì tôi cũng có cơ duyên với sách. Từ khi còn rất nhỏ, khi tôi mới biết đọc năm lớp 1, lớp 2, tôi đã thường xuyên đọc “Thép đã tôi thế đấy” và truyện thơ “Lục Vân Tiên”. Bạn tin không?
Sự thật đấy bạn ạ. Chả là mẹ tôi có một cuốn “Thép đã tôi thế đấy” thường để trên đầu tủ. Tôi rất ấn tượng vì cuốn sách này rất dày và cái tựa đề rất ấn tượng. Thú thật, lúc ấy, tôi cũng chả hiểu: “Thép đã tôi thế đấy” là thế nào. Lúc đó làm gì đã biết thép tôi, thép luyện gì. Tôi nghĩ tựa đề nó thiếu một dấu phẩy, chứ đúng ra nó phải là: “Thép đã, tôi thế đấy”. “Thép đã” lúc đó được tôi hiểu như từ: “Khoan đã” hay “Chờ xem đã”. Tôi tự hiểu cái tựa đề: “Chờ xem đã, tôi là người như thế đấy”. Cái tựa đề do tôi nghĩ ra, cũng ấn tượng đấy chứ nhỉ?
Do ấn tượng với cuốn sách. Nên tôi thường lấy nó xuống đọc. Tôi chả đọc được gì nhiều. Toàn lật xem hình là chính. Nay đọc đoạn này, mai đoạn kia. Cho đến bây giờ, chỉ còn nhớ mỗi nhân vật chính tên là Pa-ven. Thế đấy. Nhưng dù sao cũng từng đọc “Thép đã tôi thế đấy từ năm 6 tuổi, 7 tuổi đấy nhé bạn.
Lúc ấy nhà tôi còn có một cuốn sách cũ, rất cũ. Đó là cuốn truyện thơ “Lục Vân Tiên”. Cuốn sách cũ mèm, giấy đen kịt. Lúc ấy tôi đọc thơ cũng chả hiểu gì nhiều. Nhưng cuối mỗi hồi, mỗi chương đều có phần tóm tắt nội dung của hồi đó bằng văn xuôi. Tôi thích phần ấy. Đọc qua một đoạn chỉ khoảng 1 trang là hiểu hết nội dung hồi đó nói gì. Lúc nhỏ thơ ngây chả hiểu người ta làm thơ làm chi mà dài dòng rối rắm thế. Cứ viết văn xuôi thế này có hay hơn không? Nhưng đọc thơ thì thấy cũng vui, có vần có điệu. Đọc phần tóm tắt ngán thì tôi cũng chuyển qua đọc thơ. Có lẽ, tôi bắt đầu thích thơ từ đó…
Lên đến lớp 4, lớp 5 thì tôi lục tìm được 2 cuốn sách cũ từ thời các bác tôi, ba tôi đi học trong cái kho cũ ở nhà. Đó là 2 cuốn sách Tập đọc lớp 3 và Toán pháp lớp 5 thời Việt Nam cộng hòa. Với tôi, 2 cuốn sách đó là một tài sản quý. Sách in màu, bìa da rất đẹp. Đẹp hơn tất cả các sách giáo khoa của tôi lúc ấy. Hình ảnh minh họa sinh động. Kiến thức thì ngang tầm với kiến thức tôi đang học trên lớp nên tôi rất thích. Mà rõ ràng về mặt nội dung, về cách hướng dẫn tự học của 2 cuốn sách ấy hơn hẳn các cuốn sách giáo khoa của tôi. Ngoài kiến thức và bài tập, tôi cũng học được những từ cũ mà sách giáo khoa về sau không sử dụng như: Ba Lê (Paris), Nữu Ước (Newyork), Phi Luật Tân (Philippines)… Tôi rất tự hào về 2 cuốn sách ấy, vì bạn bè tôi, chả ai có cả. Hihi…
Năm lớp 4, tôi được ra thị trấn đi thi học sinh giỏi. Với tôi lúc ấy, cái nhà sách ngay trung tâm huyện lúc đó là cả một kỳ quan. Bao nhiêu là sách. Cuốn nào cũng dày, bìa in đẹp. Tôi thích lắm. Chả biết sách gì cũng thích. Mà đặc biệt thích các cuốn truyện cổ tích dày dày. Mà lúc ấy, làm gì có tiền mua. Tự nhủ, mai mốt có tiền sẽ mua sách đọc cho đã. Hihi..
Khi tôi lên cấp 2 thì có một nguồn sách “cực đã”. Đó là thư viện trường. Tôi nhanh chóng quen biết cô thủ thư và giờ nghĩ giải lao tôi hay xuống giúp cô xếp sách, ghi phiếu mượn. Cũng nhờ vậy mà mỗi buổi, tôi luôn được mượn một cuốn sách đem về. Đọc hết lại trả. Trong khi bạn tôi mỗi tuần chỉ được mượn 2 cuốn thôi. Ngày đó tôi say mê những “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, những cuốn truyện về Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi và Quang Trung… Tôi khoái những chiến công hiển hách của các vị ấy. Và cũng nuôi mơ ước một ngày nào đó mình cũng sẽ làm được như các vị ấy. (Đến giờ vẫn chưa làm được. Haha…)
Lên cấp 3, thời gian đi học khá nhiều, chưa kể thư viện trường lúc đó khá nghèo nàn, ít hoạt động. Tôi ít khi đọc sách.
Bước vào giảng đường đại học, đối với tôi là cả một thiên đường đang chào đón. Thiên đường đó là những siêu thị sách to đùng, tha hồ mà đọc cọp, thiên đường là thư viện trường với biết bao nhiêu là sách. Ngày đó, tôi đi đọc cọp sách mà còn có lịch. Trong tuần tôi dành ít nhất một buổi chiều không đi học để đi đọc cọp sách ở nhà sách PhươngNamtrong siêu thị Coopmark.
Nhà sách này không cấm đọc sách tại quầy. Nhưng nếu đọc lâu quá, nhân viên cũng có nhắc nhở. Riêng tôi thì nhẵn mặt rồi, nên nhân viên không nhắc nữa. Có nhắc, nó lẻn đi đâu đó một tý, rồi cũng lẻn lại đó đọc tiếp thôi. Đuổi chi cho mệt.
Với lịch đọc cọp đều đặn, tôi đã đọc được không biết bao nhiêu là sách. Đó là những cuốn sách, bộ sách tuyệt vời. Tôi rất hứng thú với các thể loại sách về phát triển bản thân, các truyện ngắn, truyện vừa và sách về lịch sử, văn hóa và sách kinh tế, kinh doanh. Có những cuốn sách rất dày như cuốn: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ô liu, Tiếng chim hót trong bụi mận gai… mà tôi cũng đọc cọp được hết. Ngẫm lại thấy nể mình thật.
Thời ấy, thư viện nhà trường là nơi tôi thường xuyên ghé lại nhất trong tuần. Khi nào có thời gian rảnh. Nghĩ giữa các môn học, được nghỉ học về sớm, tôi đều ghé thư viện. Đọc sách, đọc báo, đọc tạp chí, đọc luận văn… cũng rất vui.
Từ ngày tôi ra trường, tôi không đi siêu thị đọc cọp sách nữa. Vì lý do tôi không có nhiều thời gian như xưa. Thêm nữa, tôi không muốn bị sinh viên của mình bắt gặp khi đi đọc cọp sách. Cũng chả có gì là xấu, nhưng cũng không hay lắm. Thời gian rảnh, tôi hay đọc ebook trên mạng và ghé thư viện trường.
Lần đầu tôi đưa thẻ cho anh thủ thư quét thẻ, anh ngạc nhiên ra mặt. Có lẽ, không nhiều các giáo viên rảnh rỗi ghé phòng đọc để đọc sách báo. Những lần sau thì quen mặt rồi, mình chỉ cần vào cười một cái là có thể được vào phòng đọc ngay, không cần quét thẻ. Mà mình cũng càng ngày càng bận, cũng không có thường xuyên ghé phòng đọc được.
Từ ngày đi làm, có chút tiền, tôi hay đi siêu thị mua sách. Kể cả những cuốn sách tôi đã đọc rồi, những cuốn sách mới, tôi mua khá nhiều. Mua để về có thời gian thì đọc lại, vẫn rất hay và bổ ích. Có nhiều cuốn sách, tôi đọc muốn thuộc luôn, mà vẫn thấy hay. Hơn nữa, sách mua, tôi có thể cho mượn, chia sẻ những kiến thức thú vị đó cho bạn bè. Hiện giờ số sách tôi mua đã là mấy chục cuốn nhưng toàn đang ở nhà bạn tôi cả. Chả có mấy cuốn ở nhà.
Tôi cũng mua sách làm quà tặng cho bạn rất nhiều. Một cuốn sách hay, có thể không có nhiều giá trị về mặt vật chất (nhiều cuốn cũng đắt lắm à) nhưng rất có giá trị về mặt tinh thần và hữu ích cho nhiều người. Tặng cho bạn, bạn không đọc thì em của bạn đọc, bạn của bạn đọc. Trước sau gì mà chẳng có ích. Và ngược lại, mình cũng nhận được rất nhiều món quà, là sách.
Tôi thích mua sách còn thêm một nguyên nhân nữa. Nhớ ngày xưa, sở dĩ tôi đọc Thép đã tôi thế đấy hay Lục Vân Tiên, không phải vì tôi biết giá trị của nó là hay, là tốt gì cả. Đơn giản đó là 2 cuốn sách mà không phải là sách giáo khoa mà gia đình tôi có. Với sự tò mò của một đứa trẻ, tôi đọc chúng. Có lẽ, chưa bao giờ đọc hết, nhưng cũng học được rất nhiều điều bổ ích.
Như vậy, nếu bây giờ tôi mua sách, những cuốn sách hay, để trong nhà. Cho dù tôi không có thời gian đọc, thì em tôi, hay con cháu tôi sau này, lúc rảnh rỗi, hay tò mò, hiếu kỳ, có thể lấy ra đọc. Từ nhỏ, lũ trẻ đã được tiếp cận những cuốn sách hay như vậy, không phải là quá tốt hay sao?
Tôi rất ngưỡng mộ những người đọc nhiều sách và yêu sách. Những người yêu sách mà tôi biết đều là những người thành đạt, hiểu biết, tốt bụng, giàu có và hạnh phúc cả. Tôi cũng ngưỡng mộ những gia đình có kệ sách, tủ sách lớn hoặc phòng đọc sách. Có một nét gì đó rất truyền thống, văn hóa nhưng cũng rất sang trọng, quý tộc lại rất hữu ích. Tôi đang từng bước hình thành một phòng đọc sách cho gia đình mình.
Khi đọc sách, tôi vượt qua những ngăn cách của không gian và thời gian, những ngăn cách về địa lý, kinh tế… để đến những vùng đất mà tôi chưa từng biết đến, chứng kiến những sự việc mà khi nó diễn ra, ông bà tôi vẫn chưa được sinh ra, được nghe những vĩ nhân truyền dạy, được gặp những con người tuyệt vời trên khắp thế giới. Tôi cũng được thả mình trong những tưởng tượng, suy tưởng và cảm xúc của chính mình. Điều đó, thật sự, thật sự rất tuyệt vời.
Lạm phát, khủng hoảng, tình hình kinh tế của tôi đang không thuận lợi. Nhưng có lẽ, trong số những thứ mà tôi cắt giảm chi tiêu, không có khoảng kinh phí dành cho sách. Trong tình hình hiện tại, đầu tư cho kiến thức, tư duy và tầm nhìn cho bản thân vẫn là sự đầu tư có hiệu quả và thú vị nhất. Hơn nữa nó còn là một niềm đam mê, một thú vui.
Và tôi đang nung nấu ước mơ. Viết và để lại một cuốn sách có giá trị cho cuộc đời! Một cuốn sách sẽ truyền tình yêu thương và sự sẻ chia cho mọi người, động viên cổ vũ mọi người vươn lên hạnh phúc trong cuộc sống. Còn viết thế nào, tôi cũng chưa biết nữa. Có lẽ, để viết được, tôi cần đọc sách thêm.
Tôi ủng hộ anh Công. Kinh tế khủng hoản cần giảm rất nhiều chi phí nhưng không giàm chi phí dành cho sách.
Tôi là “con mọt sách”, tôi yêu sách từ lịch sử, kinh tế, văn hoá … tới học làm người.
Tôi muốn tặng rất nhiều quyển sách hay cho mọi người nhưng giờ tôi khám phá ra một bí mật để tặng sách mà người đó và buộc họ phải đọc. Đơn giản là tôi áp dụng quy luật “giá trị”.
Tôi thích những người bạn thân bình luận về sách nên hay mua sách tặng cho họ. Đó là lý do tôi mua sách để “tặng”.
Đọc bài của anh Công thấy anh yêu sách hơn người yêu mình đấy!
Cảm ơn anh Thoại đã ủng hộ.
Mình chưa có người yêu nên cũng không thể kết luận là có yêu sách hơn người yêu mình được. Hihi…
Giờ đã hiểu tại sao anh này (đổi cách xưng hô ngay khi biết anh nhiều tuổi hơn, hihi) lại viết văn hay như vậy. Đọc sách là một thói quen tốt, em cũng thường xuyên vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) để đọc trộm, cũng hay bị nhân viên nhắc nhở nên có đoạn nào thấy hữu ích em thường chụp hình vào điện thoại rồi về nhà xem lại.
Hi vọng em sẽ đc đọc cuốn sách để đời của anh.
Sẽ xuất bản cuốn sách “Tôi đã viết cuốn sách này như thế nào?”. Hehe..
Hay quá bạn!