Bạn có tin vào số phận không? Có phải trong cuộc sống hàng ngày, bạn vẫn thường xuyên được nghe câu nói: “Biết làm thế nào được, số phận nó thế”? Sự thật có phải như thế không?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, niềm tin vào số phận hay tin vào câu nói trên có tác dụng an ủi trong một số trường hợp mà kết quả không thể nào thay đổi được, chứ nó không đúng sự thật và cực kỳ nguy hiểm, có sức hủy hoại lớn lao trong hầu hết các trường hợp còn lại. Tôi tin rằng con người ta, bằng hành động và suy nghĩ của chính mình đã tạo ra số phận cho mình.
Niềm tin vào số phận có tác dụng an ủi trong trường hợp nào? Giả sử có một chiến sỹ công an đã anh dũng hy sinh trong lúc bắt cướp để giữ gìn sự an ninh, an toàn cho xã hội, bỏ lại gia đình trong niềm tiếc thương vô hạn, thì bạn bè, đồng chí của anh có thể an ủi gia đình rằng: “Số phận đã như thế, biết làm sao được?” để xoa dịu bớt nỗi đau. Vì người đã hy sinh, thì cũng không làm sao sống lại được. Một câu nói như thế, dẫu đúng sai thế nào, cũng xoa dịu được bớt phần nào nỗi đau.
Nhưng trong hầu hết các trường hợp, câu nói này có sức hủy hoại lớn lao. Bằng việc quy hết trách nhiệm cho số phận, cho một đấng quyền năng, một đấng siêu nhiên nào đó, con người có thể chối bỏ được trách nhiệm của mình đối với các kết quả mà họ không mong muốn, nhưng đồng thời cũng chối bỏ luôn cả KHẢ NĂNG được thay đổi kết quả đó. Đó là một lối sống thiếu trách nhiệm và sẽ mãi mãi mang lại những thất bại.
Trước một kết quả không mong muốn, việc quy trách nhiệm cho số phận giúp con người ta phần nào nhẹ nhàng vì không phải đối mặt với trách nhiệm đó. Điều đó giúp họ cảm thấy an toàn. Nhưng cái giá phải trả cho sự an toàn giả tạo đó, là bạn tự mình tước đi khả năng thay đổi những kết quả đó. Vì sao? Vì nếu một kết quả được gây ra bởi một cái gì đó mơ hồ từ bên ngoài, từ một đấng siêu nhiên siêu hình nào đó, thì làm sao mà bạn có khả năng thay đổi được?
Bằng cách suy nghĩ: “Tôi làm chủ cuộc sống của tôi, tôi tạo ra số phận của tôi”, tôi tự chịu trách nhiệm về tất cả những kết quả xảy ra với mình. “Tôi nghèo là do tôi. Tôi có kết quả học không tốt cũng tại tôi. Tôi vẫn cô đơn, chưa có bạn gái cũng là do tôi.” Việc tự nhận trách nhiệm thật sự không dễ dàng chút nào. Nhưng ngược lại, tôi có quyền, có khả năng thay đổi tất cả những kết quả xấu đó. Cái gì do tôi tạo ra thì tôi có khả năng thay đổi nó. Tôi không thể thay đổi cái gì bên ngoài, nhưng có thể thay đổi bất cứ cái gì thuộc về tôi. Có nghĩa là tôi có thể biến những kết quả không tốt đó thành những kết quả tốt đẹp hơn gấp nhiều lần. Việc đó nằm trong khả năng của tôi.
Ý tưởng tự nhận trách nhiệm về mình trong cuộc sống không phải là một ý tưởng mới. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã đúc kết rằng: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (Trước hãy trách mình, sau hãy trách người) hay sao? Như vậy, trước phải tự trách mình, sau mới trách đến người hay hoàn cảnh, phải tự nhận trách nhiệm về mình.
Một số bạn vin vào tín ngưỡng dân gian để đổ lỗi cho số phận. “Dép còn có số, huống chi con người?”. Vậy thì xin thưa với bạn rằng, trong văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn mãi tồn tại một câu khẳng định: “Đức năng thắng số”. Con người, bằng lối sống, cách sống và đạo đức, đức độ của mình hoàn toàn có thể chiến thắng và thay đổi số phận.
Ngay từ nhỏ ông tôi đã kể cho tôi nghe một câu chuyện rất hay về câu “Đức năng thắng số”. Bạn xem câu chuyện tại đây nhé.