Chiến tranh tàn khốc quá, Ngoại phải đưa gia đình vào Nam tản cư. Đó là khoảng thời gian cực kỳ ác liệt và gian khổ, mà qua những câu chuyện của Ngoại, tôi chỉ mới hình dung được phần nào. Chưa đầy 2 năm sau đó thì Giải phóng. Đôi lúc, Ngoại vẫn tiếc nuối: Giá như, ngày đó, bám trụ với quê hương một thời gian nữa, thì có lẽ đã không phải chịu cảnh xa quê, xa anh em, bà con, bạn bè, hàng xóm, xa mồ mả ông bà, tổ tiên…
Nhưng giá như cũng chỉ là giá như. Khi Ngoại ra đi, nhà cửa, của cải, đất đai một phần thì bán, một phần thì bị tàn phá hết cả. Sau giải phóng thì lại là giai đoạn kiến thiết gian khổ. Tiền bạc, xe cộ, giao thông đều khó khăn thì làm sao mà Ngoại và gia đình trở về được. Mà ở vùng đất mới, điều kiện làm ăn, sinh sống và thời tiết cũng thuận lợi. Vậy là Ngoại định cư ở đây. Bắt đầu cuộc sống một cảnh hai quê.
Khi Ngoại vào Nam, mẹ chỉ mới 6, 7 tuổi. Một cái tuổi không phải lớn, nhưng cũng không phải cũng quá nhỏ để bắt đầu có những ký ức về quê hương. Mẹ thường kể tôi nghe về vùng quê yêu dấu ấy. Những câu chuyện đã bị thời gian làm cho nhạt nhòa đi nhiều, nhưng cũng vẫn sâu lắng và gần gũi lắm.
Tôi lớn lên, chỉ còn biết quê Ngoại qua cái tên: Quảng Nam, biết quê qua giọng nói thân thương, ấm áp của ông bà Ngoại tôi, biết quê qua những tô mỳ Quảng mà người dân Quảng xa quê vẫn giữ gìn, yêu quý. Và biết đến quê Ngoại qua những câu chuyện kể của Ngoại, của mẹ… Những câu chuyện nhè nhàng, giản dị nhưng cũng khắc khoải nổi nhớ nhung…
Rồi thời gian trôi đi, tôi bắt đầu cuộc sống mưu sinh ở thành phố. Tôi bắt đầu có những suy nghĩ, những trải nghiệm và những tình cảm của một người con xa quê. Lúc đó, tôi mới hiểu tình cảm quê hương là gì, mới thương Ngoại, thương mẹ. Tôi ở cách quê tôi chỉ 300km. Và điều kiện giao thông bây giờ thật dễ dàng. Tôi về nhà tương đối thường xuyên. Vậy mà đôi lúc tôi đã có cái cảm giác nhớ quê quay quắt. Có những đêm tôi thả hồn trong những giấc mơ để được ngắm bầu trời đầy sao, được nghe tiếng côn trùng rên rỉ, được ngửi mùi đất, mùi cỏ quê hương. Tôi bắt đầu hiểu ra những tình cảm của Ngoại ẩn chứa trong những câu chuyện kể thơ bé ngày nào. Có cái gì đó buồn, vấn vương, sâu thẳm…
Tự nhiên cũng có những quy luật không thể tránh khỏi, ông bà Ngoại tôi, vì tuổi già, đều đã qua đời. Sợi dây gắn kết tôi với quê Ngoại dường như đứt đoạn. Nhưng trong đêm giao thừa Tết vừa rồi, trong cái không khí tĩnh lặng và thiêng liêng ấy, tôi bỗng nhớ đến Ngoại. Tôi thương Ngoại lắm.
Và tôi quyết định, tôi sẽ làm một chuyến hành hương về quê Ngoại, cái quê hương mà trong hai mươi mấy năm qua, tôi chỉ biết qua tưởng tượng. Để được nghe lại giọng nói giống như của Ngoại, để bắt gặp đâu đó hình ảnh thân thương tựa như Ngoại, để được ăn lại những món có thể giống như bà nấu ngày nào, nghe mùi thuốc rê như ông hay hút. Và trên hết là tìm về cái nguồn gốc sâu thẳm, cái mạch sống, cái hồn quê đang chảy trong từng mạch máu của tôi.
Quê hương đã có nhiều thay đổi so với những câu chuyện Ngoại kể. Đường đã bê tông hóa, nhà cửa đã được xây dựng khang trang hơn. Nhưng vẫn còn đó những đồng lúa xanh rờn như Ngoại vẫn kể, vẫn còn những con người chân quê, chất phác, mộc mạc, lại rất vui vẻ, dễ gần. Vẫn còn những ngôi đình làng cổ kính, rêu phong, những giọng nói thân thương, gần gũi, và trầm ấm… Vẫn còn những cảnh bà thì ăn trầu, ông thì hút thuốc rê như hình ảnh của ông bà Ngoại tôi ngày nào. Những hình ảnh đã in sâu vào trong tâm trí tôi…
Về thăm quê, tôi ở nhà bà Ba. Bà Ba là em ruột ông Ngoại, là người duy nhất trong số các anh em của ông Ngoại còn lại trên đời. Bà có nét gì đó rất, rất giống ông tôi. Tôi không biết đó là gì, là khuôn mặt, ánh mắt, cái miệng hay gì gì đó… Nhưng tôi như được nhìn thấy hình ảnh của ông Ngoại tôi. Đã lâu lắm rồi. Tôi mới được nhìn thấy lại hình ảnh thân thương ấy. Tôi cũng bắt gặp hình ảnh của bà Ngoại tôi qua cách sinh hoạt, đi đứng và nói chuyện của bà. Giọng quê hương đầm ấm, những câu chuyện gia đình, chiến tranh, những câu hỏi thăm, gửi gắm, những lời khuyên nhủ, động viên… Từ lúc tôi biết đến nay, đây có thể là lần đầu tiên tôi gặp bà. Nhưng cảm giác thật là gần gũi, thân thương. Đó chính là hình ảnh của ông Ngoại, của bà Ngoại, của tuổi thơ, của kỷ niệm, của ký ức, của hồn quê đâu đó đang chảy trong tim tôi…
Bà Ba năm nay cũng đã hơn tám mươi tuổi rồi. Bà tuy rất minh mẫn, nhưng đi đứng có phần khó khăn lắm. Cuộc đời bà cũng nhiều thăng trầm, gian khổ, nhưng cũng lắm hy sinh, chịu thương chịu khó như nhiều bà mẹ miền Trung khác. Ông Ba tham gia kháng chiến và tập kết ra Bắc khi đứa con thứ 2 của bà (cậu Ba tôi) chỉ mới vừa mấy tháng. Hai mươi mấy năm chờ chồng, nuôi con, và chăm sóc, phụng dưỡng cho cha mẹ chồng, bà đã thay chồng nuôi con, dạy con nên người, đáp đền chữ hiếu cho cha mẹ chồng. Đến khi giải phóng, ông tôi trở về thì cả hai cậu tôi đã khôn lớn nên người và có gia đình riêng.
Ông, trong suốt thời gian tập kết ngoài Bắc đã lập gia đình khác, và có 2 người con trai. Bà, với tấm lòng nhân hậu, vị tha, với tấm lòng bao la của một người mẹ, vẫn thường nói rằng: “Chiến tranh nó ác liệt thế, hoàn cảnh nó thế, biết làm sao được?”. Và bà yêu thương các con riêng của chồng như con ruột. Bà vẫn hay động viên, khuyên nhủ các cậu ấy về quê cha mà ở cho anh em, bà con, dòng họ gần gũi nhau. Có thế thì tình cảm mới không bị mai một, lụi tàn. Nhưng các cậu ấy có cuộc sống riêng và vốn quen sống ở quê cũ nên không vào. Bà tôi buồn lắm!
Vẫn còn nhớ lúc tôi chuẩn bị ra đi, bà nắm tay tôi nghẹn ngào: “Bà đã hơn tám mươi rồi. Người già thì như chuối chín cây, không biết mai sau thế nào. Giờ bà đi xe không được, nên không thể một lần vào thăm mộ anh chị Hai (ông bà Ngoại tôi), thăm các cháu được. Nói các cậu và mẹ con thu xếp công việc về thăm bà một chuyến. Nhất là mẹ con. Nó xa quê mấy chục năm rồi mà chưa có dịp nào về. Bà thương, bà nhớ nó lắm. Nói nó về thăm cô Ba chứ mai mốt lỡ cô Ba mất rồi thì lấy gì mà thăm?”.
Tôi cũng nghẹn ngào, và suýt chút cũng đã không cầm được nước mắt. Tôi biết mẹ tôi cũng rất thương bà. Mẹ vẫn ước ao có thể thu xếp được thời gian để về thăm bà, thăm quê một chuyến. Nhưng cũng thật là khó. Bà Nội tôi năm nay đã 90 tuổi rồi. Bà không may bị vấp ngã và không thể đi lại gần 2 năm nay. Bà chỉ ngồi lên, ngồi xuống trên giường, và lâu lâu thì ba tôi và các em ẵm bà lên xe lăn rồi đẩy đi đây đi đó một chút cho thoáng, cho vui thôi. Nhà tôi thì toàn các anh em trai, có đứa em gái út thì năm nay cũng chỉ mới học lớp Năm. Ở nhà, thì chỉ có mẹ là có thể chăm sóc Nội, và chăm sóc Nội chu đáo nhất. Từ cơm nước, tắm rửa, giặt quần áo… Mẹ là một người con dâu có hiếu. Mẹ không muốn để Nội ở nhà như vậy…
Khi nghĩ đến đó, tự nhiên tôi thấy thương mẹ tôi quá. Gần cả một đời mẹ gian truân, vất vả nuôi nấng, chăm sóc mấy anh em tôi, phụng dưỡng ông bà Nội tôi, đến bây giờ, mẹ muốn về thăm quê một chuyến, về thăm người cô duy nhất còn lại trên đời, mà cũng thật là khó khăn. Tôi thương mẹ, và tôi cũng trách mình không giúp được gì cho mẹ. Tôi trách tôi, nhưng tôi cũng không biết mình phải làm gì…?
Tôi bước lên xe đi về mà lòng ngổn ngang nhiều cảm xúc. Vừa có cái gì đó rất thân thương, gần gũi, nhưng cũng thật nghẹn ngào, xúc động và dạt dào những thương yêu. Tôi biết, mình phải cố gắng hơn rất nhiều rất nhiều nữa, để sống cho thật tốt. Để đền đáp cho bà tôi, cho mẹ tôi. Và tôi, sẽ về thăm quê hương thêm nhiều lần nữa.
Con chúc cho bà Ba năm mới khỏe mạnh, và sống vui vẻ, hạnh phúc. Bà ráng đợi con. Con sẽ dẫn mẹ con về thăm bà. Không phải con hứa, mà con thề con sẽ làm như vậy…
Em chào thầy ạ, em đã từng học môn PLC thầy dạy. Thầy cũng có thú vui blog, kết bạn với thầy trên blog này ^^
Uh! Chào em!
Cũng là một nơi chia sẻ cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ trong cuộc sống thôi mà.
Rất vui vì được làm quen với em.
Chúc em nhiều hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
Thật cảm động! Ước gì mình được một lần nhìn thấy được ông bà của mình giống bạn. Khi nhìn thấy các bạn cùng lứa với mình được sống cùng ông bà, được nghe kể chuyện thời xưa, được la rày, dạy dỗ…mình rất muốn một lần như thế. Nhưng thật tiếc là chị em mình không được cái diễm phúc đó. Ông bà đã ra đi khi mình chưa sinh ra đời. Thật hạnh phúc khi được sống cùng ông bà. Hãy đối xử thật tốt với ông bà mình nhé để mai này không phải hối tiếc.
Có một cô gái nọ khi mơ ước về người chồng tương lai của mình, thì có một điều kiện là anh ấy phải còn ông Nội.
Vì sao ư? Vì cô không có may mắn được nhìn thấy ông bà nội ngoại của mình khi ra đời. Cô đọc, cô nghe rất nhiều về tình thương yêu của ông bà. Cô tưởng tượng ông Nội hiền hòa, nhân hậu nhưng cũng to lớn và bản lĩnh như một ông Tiên vậy. Và cô chỉ ước mơ có ông Nội, dù là ông Nội chồng để có được những tình cảm ấy, được chăm sóc ông Nội, được nghe ông kể chuyện cổ tích, kể chuyện đời xưa, chuyện quê hương, chuyện cuộc sống của ông bà. Chỉ thế thôi.
Ai ơi, nếu bạn còn ông bà thì bạn đã rất may mắn rồi đó. May mắn hơn cô gái trên rất nhiều. Hãy biết quý trọng điều đó…
Cảm ơn Dung vì những chia sẻ của mình. Chúc Dung vui vẻ trong cuộc sống.
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say…
Mình cũng là ng con đất Quảng….yêu và nhớ quê da diết…