Đôi lúc cuộc sống, công việc và nhiều thứ xô bồ khác cuốn ta đi. Cũng chẳng biết là đi về đâu nữa, nhưng có một điều ta biết, đó là: Ta đang càng ngày càng xa rời những kỷ niệm, những ký ức tuổi thơ, những điều đơn giản nhưng ấm áp tình cảm gia đình, làng xóm quê hương.
Dẫu biết con người ai rồi cũng trưởng thành. Ai rồi cũng phải đối mặt với những vấn đề cơm áo gạo tiền, lo toan cho cuộc sống. Nhưng đánh rơi những ký ức tốt đẹp đó, phải chăng là một điều đáng tiếc lắm thay?
Hôm nay là ngày của mẹ. Mình đã dự định viết cái gì đó về mẹ. Nhưng dẫu sao, mình cũng đã từng viết về mẹ rồi. Mình nhớ về một người, rất thân thương, gần gũi, và quan trọng với mình. Đó là mẹ của mẹ… Ngoại ơi…?
Có lẽ, những đức tính tuyệt vời mà mẹ tôi có được, là nhờ học ở bà Ngoại. Ngoại là mẫu phụ nữ miền Trung điển hình, chịu thương chịu khó, thương chồng, thương con, thương cháu hết mực… Trải qua chiến tranh, bom đạn, rồi sơ tán, di tản, rồi xa nhà, xa quê, rồi tuổi già đau yếu… Cả đời Ngoại không biết bao nhiêu là sóng gió. Nhưng qua những sóng gió ấy, mới càng thấy được tình thương của Ngoại.
Trong ký ức của tôi. Ngoại là người không bao giờ chịu nghĩ tay. Lúc nào Ngoại cũng làm việc. Khi thì tay cầm chổi, quét tước trong nhà ngoài sân sạch sẽ. Xưa nhà Ngoại nhà ván, nền đất mà gòn gàng sạch sẽ không chê vào đâu được. Trong tâm thức của tôi, nói về sự sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất của một ngôi nhà thì tôi nghĩ ngay đến ngôi nhà của Ngoại. Dù chỉ là nhà ván, nền đất mà thôi.
Khi khác thì Ngoại loay hoay cuốc cỏ sau nhà, ngoài sân. Xung quanh nhà Ngoại, dù là sau nhà, kiếm cộng cỏ để chơi “chọi gà” cũng khó. Rồi Ngoại chăm sóc giàn bầu, giàn mướp sau nhà. Nhớ mấy trái mướp Ngoại trồng, có quả dài hơn cả mét. Tôi lúc nhỏ, chạy xe đạp mà loay hoay mãi vẫn chở về nhà không được.
Khi lại chăm sóc mảnh vườn sau nhà, khi là đám bắp, lúc là đám cà… Cuốc cỏ, bón phân, tưới nước, đó là niềm vui của Ngoại. Mảnh vườn của Ngoại không lớn, nhưng lúc nào cũng sung túc, trù phú, tươi tốt. Và cũng nhờ đó Ngoại kiếm được những khoản thu nhập nho nhỏ.
Và có những lúc, lại thấy Ngoại loay hoay trong bếp. Cái bếp Ngoại nhỏ, nhưng cực kỳ ngăn nắp gọn gàng có thứ tự. Cái kiềng ba chân nằm gọn gàng một chỗ, tro luôn được dọn sạch. Củi được chẻ nhỏ, xếp ngay ngắn, gọn gàng trong góc. Vài chùm hành, chùm tỏi… được treo trên cao. Mấy cái giỏ tre để treo nồi, gác xoong nhìn rất cổ xưa và cũng luôn sạch sẽ.
Ngoại là người nấu ăn ngon nhất tôi từng biết. Ngon hơn cả mẹ tôi. Ngoại nấu không phải là món gì cao lương mĩ vị. Cũng chỉ là con cá, miếng thịt, trái cà… nhưng qua bàn tay chế biến của Ngoại thì luôn luôn trở thành những món ăn tuyệt vời. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên.
Ngoại lúc nào cũng trồng một ít rau thơm ngoài vườn. Rau quế, rau húng… và nhiều loại khác mà tôi cũng không biết tên. Nhưng món nào Ngoại nấu xong, cũng có một ít rau thơm sắc nhỏ, bỏ lên trên. Mùi thơm đặc trưng. Rất lạ! Mùi thơm mà từ bấy đến nay, tôi chưa từng được gặp ở bất cứ kỳ đâu, dù chính ngay trên quê hương của Ngoại. Đó là mùi của món ăn ngon, hay mùi của tuổi thơ, mùi của ký ức, hay chính là mùi vị của tình thương của Ngoại.
Sự gọn gàng, ngăn nắp và tình yêu lao động của Ngoại luôn là bài học cho tôi trong suốt cuộc đời. Nhưng sự nhẫn nại, vị tha và tình thương yêu của Ngoại còn khiến tôi khâm phục và quý mến Ngoại hơn nhiều.
Chiến tranh tàn khốc, cuộc sống gặp không biết bao nhiêu là khó khăn. Ngoại sinh ra 7 người con. Nhưng nuôi cho đến khi không lớn nên người thì chỉ còn 3. Hai cậu tôi, và mẹ.
Ông Ngoại đi làm ăn bên ngoài, có một người con riêng, là cậu Ba tôi. “Ớt nào là ớt không cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Tôi không biết câu đó có đúng hay không? Nhưng từ khi tôi hiểu biết đến nay, hay tôi được nghe hết người này, đến người khác kể lại: Ngoại chưa bao giờ phân biệt con riêng, con chung cả.
Ngoại thương và đối xử với cậu tôi như con ruột và cậu cũng yêu Ngoại tôi như mẹ ruột. Ngoại thương cả cậu, cả mợ, cả anh tôi. Trong nhà có việc gì thì cậu tôi đều từ Sài Gòn về cả. Ngoại ốm cậu cũng chạy về. Đến dịp hè, anh tôi cũng hay về chơi. Về thăm Ngoại. Về để Ngoại dẫn ra ngoài vườn cuốc cỏ, hái rau. Về để nghe Ngoại kể chuyện ngày xưa.
Vì ngày trước cậu tôi còn trẻ, có một thời gian dài, cậu sống ở nhà Ngoại. Ngoại lo cho cậu từng miếng ăn, giấc ngủ, chưa bao giờ nặng nhẹ một lời, chưa bao giờ Ngoại phân biệt con ruột, con riêng chi cả. Tình thương thì được báo đáp bằng tình thương. Ngoại với cậu như thế, cậu có yêu thương Ngoại thì cũng dễ dàng hiểu được.
Ngày tôi còn nhỏ. Tôi hay qua Ngoại chơi. Tôi rất thích ăn cơm do Ngoại nấu. Ngoại còn hay mua bánh cho tôi ăn. Còn cho tôi bánh tôi đem về nhà. Nhà có trái bầu trái mướp nào ngon, Ngoại cho tôi đem về cho mẹ.
Ngoại vác thang, vịn thang cho tôi trèo lên cây thử mít, hái mít. Cây mít nhà Ngoại ngon lắm. Hái rồi quăng dây, cột dây, thả xuống. Nếu nhà Ngoại có đông người chỉ bổ ăn một nửa, một nửa cho tôi mang về. Khi nào nhà ít người thì Ngoại bảo tôi mang về cả trái.
Cho đến lúc Ngoại bị bệnh tật hành hạ, không đi lại được, mà chỉ ngồi lên, nằm xuống, Ngoại vẫn luôn quan tâm, hỏi han chuyện con cháu trong nhà. Tôi về thăm Ngoại, Ngoại hỏi mẹ con hôm nay làm chi? Hỏi em con đi học răng rồi? Hỏi nội con có khỏe không? Hỏi con đi làm ra sao? Hỏi thăm nhiều việc…
Ngoại còn nhờ tôi đi rửa mấy cái ly trên bàn. Xếp lại mấy cái ghế cho thẳng. Mua mấy viên pin bỏ vào cái đồng hồ đã đứng, nhặt mấy cái vỏ kẹo mà mấy đứa cháu nhỏ vừa ăn quẳng xuống.
Tôi nhìn Ngoại mà thương Ngoại khôn tả. Bà cả đời tay chân không bao giờ muốn nghỉ, nhưng bệnh tật làm bà không đi lại được, không làm gì được. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân, việc ăn uống mà còn khó khăn, huống hồ việc khác. Nhìn Ngoại mom mem, môi nở nụ cười cũng khó khăn mà lòng tôi đau đến lạ.
Khi nào tôi ở Sài Gòn về đều qua thăm Ngoại. Tôi lau mặt cho bà, đút cho bà miếng bánh miếng nước… mà nhớ mẹ kể ngày xưa bà ẵm bồng, chăm sóc tôi. Tôi là con đầu lòng. Mẹ sinh tôi ở nhà Ngoại. Ngày đó khó khăn nhiều. Đến tả còn không có. Mùa mưa Ngoại phải đi giặt tả cho tôi, rồi phơi rồi sấy, rồi ẵm bồng, rồi sưởi ấm cho tôi… Tự nhiên thấy mình chưa làm gì để đáp đền cho Ngoại.
Tôi biếu Ngoại ít tiền để Ngoại ăn kẹo, uống thuốc thì Ngoại không nhận. Ngoại nói con đi làm đi học xa, để tiền chi tiêu. Tôi nói con đi làm rồi. Con giờ nhiều tiền, nhiều tiền lắm. Ngoại nói ừ, nhiều tiền nhưng chi tiêu cũng nhiều việc, còn Ngoại thì già rồi, tiêu pha gì đâu. Con cứ để đó cho thằng Thành (em tôi, đang ở chung nhà với tôi ở Sài Gòn) để nó đi học gửi xe.
Tôi nói nó cũng nhiều tiền, nhiều tiền lắm. Ngoại nói vậy đem về cho thằng Lợi, con Châu. Bọn nó đi học ăn bánh. Đến đây thì tôi hết nói, vì hai đứa em tôi đang ở quê đây, tiền nhiều tiền ít gì mà Ngoại tôi chẳng biết.
Tôi nói Ngoại cứ nhận đi cho con mừng. Mai mốt con còn ra làm nhiều tiền, nhiều tiền lắm. Mai mốt con cho bọn nó cũng được. Chứ còn Ngoại, ai biết mai mốt đây, rồi ra sao? Ngoại nhận đi cho con mừng. Phải đến lúc ấy bà mới nhận.
Tết năm ngoái mồng một tết tôi đã qua thăm Ngoại. Ngoại gầy ốm, nhưng vẫn rất vui vẻ, tỉnh táo. Con cháu quây quần bên bà. Bà nhận ra tất thảy. Cả nhà nói chuyện, ăn uống vui vẻ lắm.
Hết tết tôi quay trở vào Sài Gòn. Được hơn một tuần thì được tin Ngoại mất. Tôi với em tôi về ngay trong đêm. Dẫu biết là quy luật của cuộc đời, nhưng sao lòng buồn đến vậy?
Ngoại ơi, con thương Ngoại lắm. Năm tháng có thể trôi qua, đầu óc có thể sẽ quên đi nhiều thứ. Cơm áo gạo tiền có thể sẽ làm con sống vô tâm, hờ hững, vô tình và sống thiếu tình cảm hơn. Nhưng những ký ức, kỷ niệm, hình ảnh và những tình cảm, sự yêu mến của Ngoại dành cho con, con sẽ luôn ghi khắc.
Một nén hương từ nơi đất khách xa xôi, thắp lên. Cho Ngoại. Và cho chính những ký ức đầy yêu thương. Của con…
Ai còn Mẹ xin đừng để Mẹ khóc
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha.
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân Cha che chở đời con.
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không ???
đọc bài của bạn mà mình đã khóc, mình không được hưởng tình thương ông bà như bạn,(khi mình sinh ra thì ông bà mình đã mất) nhưng mình cảm nhận được tình cảm của ngoại bạn dành cho bạn và gia đình bạn như thế nào, khóc không phải vì buồn, mà khóc vì những tình cảm thiêng liêng ấy. Người Mẹ. người bà sống cả cuộc đời này cũng là sống cho chồng, cho con.