Trong 3 phần trước của loạt bài này, chúng ta đã bàn nhiều về tư duy làm thuê và làm chủ. Cái nào cũng có những ưu và nhược điểm riêng của nó. Nhưng rõ ràng là làm chủ có nhiều ưu điểm và hấp dẫn hơn làm thuê. Và rất nhiều bạn, cũng giống như tôi, đã chọn cho mình tư duy làm chủ. Vấn đề còn lại là hình thành tư duy làm chủ như thế nào?
Đây là câu hỏi mà chính bản thân tôi cũng đang phải tìm câu trả lời. Nhưng tôi sẽ trình bày một số quan điểm theo suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân mình. Những gì tôi trình bày chưa hẳn đã chính xác, nhưng cũng mong là có thể giúp bạn tìm ra những ý tưởng cho riêng mình.
Thứ nhất, bạn phải luôn sẵn sàng để học hỏi. Tại sao làm chủ, làm giàu lại liên quan đến học hỏi? Bạn ơi, dù bạn làm bất kỳ việc gì trong cuộc sống này, bạn đều phải luôn luôn học hỏi. Thế giới luôn tồn tại những điều bạn chưa biết, và vẫn đang ngày ngày thay đổi. Do đó, bạn phải liên tục học hỏi để phát triển hơn. Vậy nếu không sẵn lòng học hỏi, thì làm sao ta có thể học được cách tư duy, suy nghĩ và hành động của người giàu và người thành công để trở nên thành công được?
Chúng ta có rất nhiều các nguồn để học hỏi: sách vở, báo chí, video. Nhưng theo tôi nơi để bạn học hỏi tốt nhất đó chính là các lớp học, các lớp chuyên đề về tư duy làm chủ, làm giàu, các lớp phát triển bản thân… Bạn sẽ được học hỏi trực tiếp từ những người giàu và người thành công.
Tại sao lại vậy? Muốn làm giàu, làm chủ bạn không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng. Những điều đó rất quan trọng nhưng không quyết định. Các bạn còn phải cần động lực, khát khao và năng lượng cũng như sự hỗ trợ của mọi người.
Trong một lớp học, mà ở đó, tất cả các thành viên trong lớp, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, làm việc gì, cũng đều có chung một ước mơ, một khao khát, một quyết tâm làm giàu, làm chủ… thì không những bạn sẽ học được kiến thức từ những người thầy, người diễn giả mà còn học từ chính những người bạn học của mình. Bạn sẽ được mọi người truyền đạt kinh nghiệm, năng lượng, động lực, đam mê, khát khao… và những người bạn mới này cũng sẵn sàng giúp đỡ bạn trên con đường tìm kiếm thành công. Điều đó không tuyệt vời hay sao?
Điều tuyệt vời của cuộc sống là chúng ta không ai có thể sống một mình. Chúng ta còn có gia đình, cộng đồng và xã hội. Chúng ta cần có những người bạn bè để chia sẻ, giúp đỡ ta. Ta cần có những người đồng nghiệp, cộng sự, đối tác tin cậy để thành công. Và chúng ta cũng muốn giúp đỡ thật nhiều người… thì các lớp học như trên chính là nơi tuyệt vời để bạn kết giao bạn bè, mở rộng các mối quan hệ để không những bạn thành công hơn mà còn có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Và ngoài những người bạn học tuyệt vời, bạn còn có thể học hỏi trực tiếp từ những người thầy, diễn giả, những người giàu và thành công. Bạn học được kiến thức, kinh nghiệm, cách suy nghĩ, cách hành xử và thái độ, năng lượng của họ. Được họ truyền cho đam mê, nhiệt huyết và khát khao. Điều đó sẽ giúp ích cho bạn rất rất nhiều.
Bạn có biết câu nói nào là nguy hiểm nhất trong “từ điển” của mỗi con người chúng ta không? Đó chính là câu nói: “Tôi hiểu rồi!”. Có thể bạn đã biết một cái gì đó, đã biết một phần nào đó, nhưng có chắc chắn là bạn hiểu thấu đáo, đã biết rõ toàn bộ vấn đề chưa? Khi bạn nói, bạn nghĩ “Tôi hiểu rồi!” nghĩa là bạn đã tự mình chặn mất con đường học hỏi và tiến bộ của mình.
Nếu hoàn cảnh hiện tại của bạn là chưa giàu, chưa thành công, thì cũng có nghĩa là bạn chưa biết, chưa hiểu một vấn đề nào đó. Nếu bạn hiểu biết hết thì bạn đã thành công, đã hạnh phúc rồi. Do đó, bạn không nên giữ cái suy nghĩ“Tôi hiểu rồi!” mà phải sẵn lòng học hỏi, thay đổi. Kinh nghiệm cho thấy những người luôn miệng: “Tôi hiểu rồi!” thì thường là người chẳng biết gì cả và cũng không phải là người thành công.
Những người thành công mà tôi được biết, những người tôi vẫn ngưỡng mộ, học tập, tìm hiểu, họ học từ những điều hết sức nhỏ nhặt trong cuộc sống. Họ quan niệm rằng những con người tầm thường nhất mà họ gặp hàng ngày vẫn có điều hay để họ học và họ sẵn sàng học hỏi. Còn tôi và bạn thì sao?
Sẵn sàng học hỏi, bạn sẽ có cơ hội để thành công, nhưng chỉ sẵn sàng học hỏi không thôi, chưa đủ. Bạn còn phải luôn luôn sẵn sàng hành động. Sẵn sàng hành động có lẽ là điều dễ phân biệt nhất giữa người thành công và không thành công.
Khi bạn đọc bất cứ cuốn sách nào về dạy làm giàu, dạy thành công, bạn cũng sẽ gặp câu nhắn nhủ chân tình của tác giả: Tất cả những điều bạn học, bạn đọc được, nhưng nếu bạn không hành động, không trải nghiệm thì cũng sẽ trở nên vô ích mà thôi. Muốn có kết quả thì bạn phải hành động.
Sự thật là như vậy. Nếu như tư duy, tư tưởng, nhận thức, suy nghĩ đều thuộc về thế giới của ý thức thì thành công, giàu có đều thuộc thế giới vật chất. Và hành động chính là bước trung gian để chuyển từ thế giới ý thức sang thế giới vật chất. Nếu không có hành động thì tất cả những suy nghĩ, nhận thức của bạn chỉ mãi mãi là những suy nghĩ và nhận thức mà không trở thành một kết quả cụ thể nào cả. Muốn có kết quả thì bắt buộc chúng ta phải hành động.
Trong khi chúng ta hành động, những vấn đề vướng mắc, tồn đọng sẽ xuất hiện. Và chúng ta sẽ từng bước, từng bước giải quyết những vấn đề đó và ngày một trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Nếu không bắt tay vào hành động, chỉ bằng suy nghĩ và tư duy, chúng ta sẽ thật khó mà nhận ra được hết những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Và do đó, chúng ta cũng thật khó để phát triển bản thân mình.
Trước một ý tưởng mới, một suy nghĩ mới. Có 2 trường hợp có thể xảy ra. Một là ý tưởng đó là đúng, hai là nó sai. Dù trong trường hợp nó đúng hay sai gì thì việc hành động sớm cũng mang lại nhiều lợi ích. Nếu đó là một ý tưởng đúng, việc hành động sớm sẽ sớm mang lại cho bạn kết quả tốt. Và từ đó, bạn có thể nhanh chóng phát triển tiếp và thành công. Còn nếu nó sai thì sao? Thì bạn cũng sớm nhận ra sự sai lầm của ý tưởng đó để thay đổi, cải thiện nó hoặc vứt bỏ nó đi, triển khai ý tưởng khác. Nếu chỉ suy nghĩ, lưỡng lự, chần chừ bạn chỉ bỏ qua cơ hội mà thôi.
Những người giàu và người thành công không phải là những người không suy nghĩ, tính toán trước khi hành động. Nhưng sau một thời gian cân nhắc, họ bắt tay vào hành động. Họ không chờ đến khi mình biết hết tất cả mọi thứ rồi mới hành động. Vì họ biết rằng trong hành động họ sẽ học được nhiều thứ, sẽ cải tiến dần dần, sửa chữa dần dần cho đến khi thành công. Đợi khi mọi khó khăn, mọi vướng mắc rõ ràng ra rồi mới hành động thì cơ hội cũng vụt qua mất rồi, mà cũng có thể chả bao giờ có cái thời điểm ấy.
Hãy tưởng tượng một quả tên lửa. Bộ điều khiển sẽ tính toán trước hết tất cả các điều kiện về gió, mưa, áp suất… trước khi phóng. Rồi cứ vậy là phóng đi đến đích. Hay tên lửa sẽ được phóng đi, rồi trong quá trình bay, bộ điều khiển sẽ điều chỉnh dần tên lửa tùy theo điều kiện bên ngoài để tên lửa đi đúng mục tiêu?
Người ta chọn cách thứ 2 bạn ạ. Không thể tính toán hết tất cả những gì sẽ xảy ra, những khó khăn sẽ đến. Nhưng nếu vì vậy mà không hành động thì cũng như quả tên lửa kia, sẽ không bao giờ được phóng đi. Vậy thì cứ hành động, rồi từng bước cải thiện, sửa chửa, thay đổi để đạt trúng mục tiêu.
Mình nhận thấy những người thành công có một công thức chung là họ có một độ “liều” rất cao. Họ dám làm việc mà rất nhiều những người khác e ngại hoặc lo sợ, hoặc né tránh. Họ hành động bất chấp sự sợ hãi. Họ hành động quyết tâm và quyết liệt. Họ hành động nhanh chóng và dứt khoát. Trong khi hầu hết những người còn lại thường xuyên trì hoãn, than vãn và oán trách.
Chỉ tính theo quy luật sác xuất thì những người hành động nhiều, hành động liên tục cũng sẽ có nhiều sự thành công hơn hẳn những người còn lại. Giả sử bạn chỉ có một cây tiêu, bạn phóng vào bia, liệu có bao nhiêu phần trăm là bạn phóng tiêu trúng đích. Giả sử một người khác có thật nhiều phi tiêu và anh ta liên tục phóng, phóng, phóng và phóng. Cuối cùng, có phải là dù tệ đến thế nào đi chăng nữa, anh ta cũng sẽ có một vài cây tiêu trúng đích hay không?
Những người liên tục hành động giống như người ta liên tục phóng tiêu vậy. Thế nào cũng trúng bia được vài cây. Còn người năm thì bảy họa mới phóng được một cây, thì trừ khi anh là một chuyên gia thì mới phóng trúng đích được. Mà nói cho cùng, chuyên gia là gì? Chuyên gia phóng tiêu cũng là người tập phóng tiêu rất rất nhiều và trở nên chuyên nghiệp, điêu luyện. Khi đó thì họ được gọi là chuyên gia chứ gì?
Như vậy, nói cho cùng, hành động luôn luôn thắng không hành động. Và nếu bạn không dám hành động, không hành động quyết liệt và nhanh chóng, bạn thật khó thành công được.
Làm thế nào để hành động. Hãy học hỏi, tiếp xúc với những người giàu, người thành công để học hỏi họ. Hãy đọc sách, xem video, tham dự các khóa học để nạp thêm năng lượng động lực và quyết tâm. Hãy luôn giữ những suy nghĩ tích cực và giao lưu với những người tích cực, những người có cùng mục tiêu, mục đích với bạn. Bạn sẽ có động lực hơn để hành động và thành công.
Tôi cũng đang tìm kiếm con đường cho riêng mình. Nếu có thể, tôi và bạn hãy hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ với nhau để cùng nhau thành công nhé bạn!
Nội dung hay những cần hòan thiện cách viết PR nhé. Dài quá và quá nhiều chữ.Người khác nhìn vào sẽ ngán đọc lắm đó.
http://www.nguyenvinhquyduc.com /a>
Hihi.. Cảm ơn Đức đã góp ý.
Công cũng biết về hạn chế đó. Nhưng cố tình muốn thử sức mạnh của Content. “Is content the King?”
Nội dung vẫn có sức mạnh ghê gớm Đức ạ. Nhưng nếu trình bày tốt hơn thì cũng sẽ good hơn. Hihi..
Mình sẽ liên tục học hỏi và thay đổi để tốt hơn. Chúc công việc ở Đà Nẵng của Đức tốt nhé!
Viết rất hay thầy ơi!! em hi vọng sẽ đánh thức được nhân tài VIỆT NAM!! chúc thầy THÀNH CÔNG và càng ngày ĐÁNH THỨC được nhiều bạn sinh viên KHÔNG TỰ TIN BẢN THÂN!!
Bài Viết Hay Đấy Công !!!
Cám ơn bạn đã cho mình một suy nghĩ rất mới, Công, Chương, Vũ các bạn thật tuyệt đó.^^
Cảm ơn bạn Triệu đã ủng hộ. Nói và làm cách nhau khá là xa. Và quan trọng là làm. Làm mới ra kết quả chứ không phải nói bạn Triệu ạ. Mình cũng đang cố gắng làm cho được những gì đã nói đây.
Chúc mừng tác giả có một bài viết rất thành công !
Em đã đọc cả 4 phần bài này và cảm thấy hay quá thầy ạ. Tiếc sao em không đọc blog của thầy sớm. Học hỏi được cách viết của thầy rất nhiều, rất sâu rất giàu cảm hứng! 🙂
Rất hay, rất sâu sắc. Em cảm ơn Thầy!